Giải pháp toàn diện ứng phó dịch covid-19
Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 đang khiến các chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt ngãy, bị gián đoạn. Cả cung lẫn cầu ở trong nước và trên thế giới đều bị suy giảm nghiêm trọng.
Bảo tồn lực lượng
Do thời chúng ta đang sống là một kiểu thời chiến, nên nền kinh tế chúng ta cũng là một nền kinh tế theo kiểu thời chiến. Thời chiến thì kinh tế không phải là ưu tiên số một. Ưu tiên số một tất nhiên là cuộc chiến chống lại kẻ thù. Kẻ thù của cả nhân loại, cũng như của Việt Nam ta trong giai đoạn này chính là dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để chiến thắng dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Với định hướng chiến lược như vậy, nhiều nguồn lực của đất nước đã được huy động để tập trung chống dịch thay vì để phát triển kinh tế. Ai cũng dễ nhận thấy đã cách ly xã hội thì ngành du lịch, ngành giao thông, ngành giải trí, các dịch vụ ăn uống và hàng loạt các dịch vụ xã hội khác lập tức bị ngưng trệ. Suy thoái kinh tế là nguy cơ hoàn toàn có thể nhìn thấy trước.
Để cứu vãn nền kinh tế một loạt chính sách cần phải được đưa ra và thực thi nhanh chóng. Trước hết, đó là chính sách “ngủ đông” để bảo tồn năng lực của nền kinh tế. Cho đến hôm nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn rất phức tạp. Mỹ và Châu Âu vẫn còn đắm chìm trong khủng hoảng. Bao giờ dịch bệnh sẽ chấm dứt vẫn là câu hỏi rất khó trả lời.
Một nền kinh tế mở tối đa như kinh tế nước ta, thì cả cung lẫn cầu đều phụ thuộc rất lớn vào thế giới. Mà thế giới thì đang hoàn toàn bất ổn và chìm dần vào suy thoái. Chúng ta không thể vực dậy nền kinh tế thế giới. Chúng ta chỉ có thể chờ nền kinh tế thế giới phục hồi.
Vậy thì, “ngủ đông” để chờ là chính sách kinh tế quan trọng nhất hiện nay. Các chú gấu ở phương Bắc tồn tại được là vì chúng biết ngủ đông. Khi mùa đông bang tuyết và giá rét đến, chúng sẽ chìm vào giấc ngủ để bảo tồn năng lượng. Nhờ vậy, mùa đông qua đi, chúng lại thức dậy và vươn lên mạnh mẽ hơn xưa. Nếu không biết ngủ đông để bảo tồn năng lượng, chúng sẽ chết rét sau chỉ vài tháng băng giá mà thôi.
Ngủ đông ở đây là cắt giảm, thậm chí đóng băng ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, “ngủ đông” không phải là chết. Các hoạt động duy tu, bảo dưỡng vẫn phải được tiến hành. Dòng tiền cho hoạt động này và cho việc trả lương ở mức tối thiểu cho lực lượng lao động vẫn phải lưu thông như máu.
Để các doanh nghiệp có thể “ngủ đông”, Chính phủ phải cắt giảm, hoãn giãn thuế; các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất, phải tái cơ cấu nợ; Bảo hiểm xã hội phải hoãn thu phí; Công đoàn phải ủng hộ việc cắt giảm lương.